Lý Công Uẩn - vị vua sáng lập vương triều Nhà Lý

Lý Công Uẩn – vị vua sáng lập vương triều Nhà Lý

Lý Công Uẩn (974 – 1028), là vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Hậu Lý trong lịch sử Việt Nam, trị vì 20 năm. Lý Thái Tổ quê ở làng Cổ Pháp, lộ Bắc Giang (nay là xã Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Theo sử sách, ông đã được sư Vạn Hạnh ở chùa Lục Tổ (còn gọi là chùa Cổ Pháp) khen: “Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ”.

Lớn lên, với sự bảo hộ của sư Vạn Hạnh (anh trai sư Lý Khánh Văn), Ông vào kinh đô Hoa Lư làm quan nhà Tiền Lê (Lê Đại Hành), sau thăng đến chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ, là một chức quan võ chỉ huy quân đội bảo vệ kinh đô. Ông nổi tiếng là người liêm khiết và được giới Phật giáo ủng hộ. Năm 1005, sau khi Lê Đại Hành mất, các hoàng tử tranh ngôi, Thái tử Long Việt lên ngôi chỉ mới ba ngày thì bị Lê Long Đĩnh giết.

Trong lúc mọi người sợ hãi bỏ chạy, Lý Công Uẩn ở lại, ôm xác Long Việt khóc. Do vậy, sau này khi Lê Long Đĩnh (Ngọa Triều) lên ngôi, nghĩ ông là người trung thành nên phong làm Phó chỉ huy sứ quân Tứ Sương[1]. Ít lâu sau ông lại được thăng đến chức Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ.

Cuối năm 1009, Lê Long Đĩnh mất, nhà Tiền Lê suy yếu. Lúc bấy giờ, giới Phật giáo với các vị cao tăng danh tiếng như sư Vạn Hạnh đang có uy tín trong xã hội và trong triều đình, cùng quan đại thần là Đào Cam Mộc đã cùng nhau hợp lực tôn phò Lý Công Uẩn lên làm vua.

Lý Công Uẩn - vị vua sáng lập vương triều Nhà Lý

Tượng vua Thái Tổ Lý Công Uẩn (Nguồn ảnh: Internet).

Ông lên ngôi ngày 2 tháng 11 năm Kỷ Dậu, tức ngày 21/11/1009 tại kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình). Ông là người sáng lập vương triều Nhà Lý, lấy hiệu là Lý Thái Tổ, đặt niên hiệu là Thuận Thiên, đại xá cho thiên hạ, phong chức tước cho những người có công.

Mùa xuân năm 1010, Lý Công Uẩn xuống Chiếu dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La, rồi đổi tên Đại La thành Thăng Long (thủ đô Hà Nội ngày nay). Đây là cột mốc lớn mở đầu lịch sử Thăng Long – Hà Nội, đánh dấu bước ngoặt của lịch sử đất nước. Kinh thành được xây dựng mới, nhân dân các nơi đổ về làm ăn sinh sống. Trong những năm trị vì, ông thường xuyên chăm lo việc nước, phát triển sản xuất, sửa lại chế độ thuế khóa, lấy Phật giáo là chỗ dựa tinh thần của vương triều, tổ chức lại bộ máy nhà nước, sai sứ giao hảo với nhà Tống.

Tháng 4 – 1028, ông qua đời ở điện Long An, được táng ở Thọ Lăng, Thiên Đức phủ, miếu hiệu là Thái Tổ, thụy hiệu là Thần Vũ Hoàng đế.

 

 

 

 

 



[1]Phó chỉ huy sứ quân Tứ Sương là vị chỉ huy phó lực lượng quân Tứ sương, chịu trách nhiệm tuần tra bên ngoài các vùng xung quanh kinh đô Hoa Lư.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>