“Đau đớn thay phận đàn bà!”

Nói về thân phận người phụ nữ Việt Nam thời xã hội phong kiến là một đề tài quen thuộc được nhiều nhà thơ, nhà văn lựa chọn làm đề tài sáng tác của mình. Qua đó hình ảnh những người mang kiếp “thân em như tấm lụa đào” hiện lên với nhân cách cao đẹp, tuy nhiên số phận họ lại chẳng mấy sung sướng vì bị phụ thuộc vào nhiều người khác. Sự trói buộc của những lề lối xã hội xưa, nhiều thế lực khác đã khiến cho cuộc đời những người phụ nữ thời kỳ đó mang đầy những chông gai, sóng gió.

Họ là người phụ nữ bình dân hay là những người được sinh ra trong gia đình quyền quý, thậm chí là người trong hoàng tộc, nhưng dường như đều có những nỗi thống khổ riêng. Vì họ là phận đàn bà nên thường không được tự làm chủ cuộc sống của mình. Quan niệm “tam tòng, tứ đức” khiến cho họ từ khi sinh ra cho đến khi từ giã cuộc sống, luôn phải sống, phải lo lắng, hi sinh cho rất nhiều người khác. Nghe sao mà xót xa quá!

Thi sĩ Hồ Xuân Hương là một nhà thơ nữ tiêu biểu đã dám lên tiếng bảo vệ cho người phụ nữ Việt Nam thuở xưa, hay tự bảo vệ mình:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son…”

Lời thơ nhẹ nhàng nhưng cũng đủ toát lên hình ảnh người phụ nữ đẹp về cả ngoại hình và tâm hồn. Đẹp nhưng bạc phận, họ được ví như hình ảnh của viên bánh trôi nước lênh đênh vậy, cho dù khó khăn đến đâu, vất vả đến đâu, họ vẫn quyết tâm giữ tấm lòng son sắt, thủy chung của mình. Là phái yếu, nhưng họ cũng có khả năng làm được những điều mà nam giới làm, thế nhưng xã hội không cho phép hoặc không được xã hội công nhận.

Chuyện tình duyên của các Công chúa thời Lý vì nghĩa lớn với xã tắc non sông được Nguyễn Khắc Thuần kể lại đầy xúc động trong cuốn Lần theo dấu xưa. Dựng nên non sông gấm vóc không chỉ có các đại thần, võ tướng là những người nam nhi mà còn có các nàng Công chúa đã quên mình vì sự an vui của trăm họ. Các Công chúa thời Lý thường được gả cho các Châu mục. Châu mục là chức đứng đầu của một châu, cũng như chức Tri châu của giai đoạn sau, thường là những vị Tù trưởng có uy thế của đồng bào các dân tộc ít người được Triều đình phong.Với tôi đã trót động lòng bởi thân phận người phụ nữ khi được tác giả nhấn mạnh thêm câu nói mà dân gian truyền tụng:

“Con vua lấy thằng bán than,

Nó bắt lên ngàn cũng phải lên theo”

Đọc tiếp mẫu chuyện “Đau đớn thay, phận… bà Hoàng” bạn đọc chắc một lần nữa sẽ rưng rưng bởi số phận của họ. Dù là danh cao chức trọng, dù được thừa hưởng đủ mọi ân huệ nhưng nếu các bà Hoàng không cẩn trọng lời ăn tiếng nói, không nghiêm giữ lễ thì quả là nguy. Là thân phận nữ nhi, xuất giá tòng phu nhưng chẳng biết được tương lai sẽ ra sao, và nếu sức khỏe của Hoàng đế – chồng chung của các bà Hoàng bất an thì họ lại nơm nớp lo sợ. Tại sao ư? Vì bất kì lúc nào họ cũng có thể bị đem ra làm vật tế thần, hi sinh bằng cách hỏa thiêu hay chôn sống cùng thi hài của Hoàng đế.

Ngoài những mẫu chuyện trên, độc giả còn được cảm nhận thêm về nỗi đau xé lòng của nàng Bình Khương, chồng bị Hồ Quý Ly đem chôn sống trong thành Tây Đô; về thiên tình sử thật lâm ly của bà hoàng Cô Tế Minh đầu thời nhà Nguyễn; về vị nữ tiến sĩ Nho học đầu tiên và duy nhất của nước ta…Mỗi câu chuyện đều hàm chứa những giá trị nhân văn sâu sắc, tất cả tất cả đều là kinh nghiệm sống của các thế hệ trước.

Tuy là những câu chuyện được viết lại hoặc là dã sử nhưng tác giả cũng gửi gắm nhiều tâm tư, như ở đầu sách, tác giả đã viết: “Bài học lớn nhất của lịch sử chính là ở chỗ người ta không chịu rút ra từ lịch sử những bài học”. Quyển sách là những chuyện tản mạn nhưng nếu gộp lại bạn đọc sẽ thấy được “tất cả đều là biểu hiện sinh động của những giá trị triết lí và đạo lí mà cổ nhân đã trìu mến để lại cho thế hệ con cháu chúng ta” (lời tác giả).

Với 38 giai thoại đặc sắc, “Lần theo dấu xưa” chắc chắn sẽ đem lại cho bạn đọc nhiều hiểu biết thú vị hơn, đặc biệt là về lịch sử nước nhà.

“Đau đớn thay phận đàn bà!”
Bìa sách Lần theo dấu xưa của tác giả Nguyễn Khắc Thuần

Sách được xuất bản đẹp trên khổ 14,3×20,3 cm, dày 167 trang vừa vặn, hòa nhã. Nội dung được in sắc nét trên giấy trắng tinh khôi, mực đen óng. Bạn đọc có thể mua sách trực tiếp tại các nhà sách trên toàn quốc với giá bìa là 38.000 nghìn.

Chướng Phong

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>